Tin tức

NGÀNH IN VIỆT NAM 1 NĂM NHÌN LẠI

Theo số liệu của Cục Xuất bản thì năm 2013 ước tính sản lượng ngành In Việt Nam đạt 870 tỷ trang in 13 x 19cm, tăng 10% so với năm 2009, doanh số tăng khoảng 7%. Vì là ước tính nên số liệu trên chưa thể chính xác. Đến nay, chưa có một cơ quan nào, kể cả Tổng cục Thống kê, Cục Xuất bản hay Hiệp hội In Việt Nam có được số liệu báo cáo đầy đủ của các cơ sở in cả nước. Tuy vậy, nếu phân tích kỹ các yếu tố tác động thì tỷ lệ tăng trưởng của sản lượng trang in cả nước năm 2013 phải thấp hơn tỷ lệ tăng của chỉ tiêu doanh thu. Vì sao ?
Mảng in lớn nhất hiện nay vẫn là nhãn hàng và bao bì. Loại sản phẩm này phát triển theo tỷ lệ tăng trưởng của các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến. Năm qua GDP cả nước tăng 6,78%, trong đó công nghiệp tăng không quá 10% vì vậy in ấn nhãn hàng và bao bì phục vụ cho các ngành công nghiệp cũng tăng trong khoảng 10%. Đó cũng là đối tượng lớn nhất và tiềm năng lâu dài của ngành công nghiệp in.
Mảng in có tỷ lệ tăng trưởng tốt tiếp theo là các loại Catalogue, tờ rơi, quảng cáo, các loại chứng từ, hoá đơn, thẻ cào v.v… đang ngày một lớn theo sự phát triển của nền kinh tế, của hệ thống các doanh nghiệp và các loại dịch vụ. Tuy vậy tỷ trọng sản lượng của các mặt hàng này mới chỉ chiếm khoảng 15% trong cơ cấu chung của cả ngành in nên sự tác động đến gia tăng sản lượng của Ngành chưa cao.
Mảng in vé số, chiếm vị trí đáng kể trong sản lượng ngành in phía Nam thì đang giảm đi do chủ trương tăng dần mệnh giá (từ quý II năm 2014 chỉ còn loại mệnh giá 10.000đ) và giảm số lượng vé số phát hành. So với thời kỳ hoàng kim thì lượng vé số giảm tới 2/3 về lượng vé phát hành làm cho nhiều nhà in có in vé số bị ảnh hưởng đáng kể.
Còn mảng in “truyền thống” là các xuất bản phẩm như sách, báo, tạp chí, văn hoá phẩm thì mức độ tăng trưởng không đáng kể. Sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế, bởi lạm phát và bởi sự cạnh tranh của các phương tiện truyền thông khác thì sách, báo, tạp chí đã có được sản lượng tương đối ổn định : số đầu sách, báo, tạp chí có tăng và giảm chút ít nhưng số lượng ấn bản thì không tăng, có xu thế ngày một giảm dần. Riêng các loại lịch, chỉ có lịch block có sản lượng tăng lên do thói quen sử dụng của xã hội vẫn được duy trì và đòi hỏi ngày một cao hơn về chất lượng, màu sắc và mẫu mã. Lịch tiểu và lịch trung giảm hơn trước, nhưng lịch đại và siêu đại lại có nhu cầu ngày một tăng. Các xuất bản phẩm nói trên vẫn là mảng công việc chính của các nhà in “truyền thống” vốn mang tính tổng hợp nhưng in xuất bản phẩm vẫn là chủ đạo. Sản lượng trang in của các loại sản phẩm này không còn khả năng phát triển như thời kỳ trước đây và chiếm tỷ trọng ngày một ít hơn so với các loại sản phẩm khác, hiện chỉ chiếm khoảng 25% trong cơ cấu sản lượng chung của ngành. Do vậy một số nhà in đã dần chuyển hướng sang các loại mặt hàng khác để giảm áp lực cạnh tranh và định hướng phát triển lâu dài là một sự lựa chọn đúng đắn.
Congnhanin-02
Khối các doanh nghiệp có in xuất khẩu cho biết năm 2010 do khó khăn chung từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nên nhiều nước phát triển cũng hạn chế việc đưa in gia công ở nước ngoài để đảm bảo công việc cho các cơ sở in trong nước họ nên khối lượng in gia công của Việt Nam năm qua cũng không tăng hơn năm trước. Trong khi đó các doanh nghiệp in có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập ở Việt Nam có xu hướng tăng trong lĩnh vực in bao bì, in catalogue, túi xách, tập học sinh,… cũng đang tạo ra sức ép cạnh tranh mới đối với thị trường in ấn ở Việt Nam.
Như vậy, tính tổng thể thì sản lượng trang in của nước ta năm qua tăng bình quân khoảng 7% so với năm trước là đúng với tình hình thực tế hơn.
 Ngược lại, chỉ tiêu doanh thu của toàn ngành phải cao hơn chỉ tiêu về trang in – khoảng 10 – 11%, vì khối lượng sản phẩm tăng như nói ở trên và do tác động của yếu tố lạm phát. Ai cũng biết năm 2010 lạm phát ở Việt Nam ở mức hai con số, ngành in còn chịu ảnh hưởng kép do thiên tai động đất ở Chilê hồi tháng 2 năm trước làm cho giá giấy tăng vọt. Nếu tính hết các yếu tố tác động thì giá cả ngành in phải điều chỉnh tăng tới 20% thì mới đảm bảo được mức lợi nhuận như năm trước. Trên thực tế thì do áp lực cạnh tranh, sợ mất khách hàng nên giá cả ngành in chỉ tăng một phần ở mục giấy in còn tiền công in lại tiếp tục giảm hơn trước. Tình trạng bị chiếm dụng vốn, khó thu hồi nợ do bị khách hàng lợi dụng khá phổ biến. Điều đó cũng lý giải cho việc tại sao lợi nhuận biên của ngành in nước ta lại quá thấp, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt bình quân  khoảng 5 – 6%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn thấp hơn cả lãi suất huy động của Ngân hàng. Số lượng nhà in đạt tăng trưởng cao, tỷ suất lợi nhuận lớn, đủ sức tái sản xuất mở rộng là rất ít. Ngược lại không ít nhà in hiện rơi vào tình trạng khó khăn, thu nhập thấp, kém hiệu quả.
Theo thông tin chưa đầy đủ thì số lượng nhà in đạt doanh số từ 100 tỷ đồng trở lên của cả nước chỉ có chưa tới 30 đơn vị, trong đó khối in bao bì và nhãn hàng chiếm tới trên 2/3 số lượng nói trên, mặc dù khối in xuất bản phẩm phần lớn đều có vốn đầu tư ban đầu của Nhà nước và có nhiều ưu thế sẵn có, trong khi đó nhiều cơ sở in bao bì tuy mới thành lập từ trên 10 năm trở lại đây lại có chỉ số tăng trưởng khá cao và hiệu quả kinh doanh khá tốt. Những nhà in truyền thống nhưng có điều chỉnh về cơ cấu sản phẩm, mở thêm các ngành hàng mới, độc đáo cũng thu được những kết quả đáng khích lệ. Qua phản ánh bước đầu, trong năm qua số nhà in có tăng trưởng tốt, kinh doanh thực sự có hiệu quả, công việc ổn định và thu nhập cao chiếm khoảng 10 – 15%, tỷ lệ tương tự như vậy là các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn phải sắp xếp lại, số 70% còn lại đạt mức ổn định tương tự các năm trước, tăng giảm không đáng kể.
Về đầu tư, phát triển – trong năm qua tuy gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều cơ sở in vẫn tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ và bổ sung các thiết bị hiện đại, với lượng vốn hàng trăm tỷ đồng để đón đầu xu thế phát triển mới, kể cả trong khối các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một số cơ sở in đã bắt đầu chú trọng đến xu hướng kỹ thuật số in thay cho công nghệ in offset. Một số cơ sở tăng cường đầu tư khâu sau in. Xu thế đầu tư có định hướng chuyên sâu và tìm cơ hội hợp tác trong ngành đang dần được chú trọng tuy chưa mạnh mẽ như lẽ ra phải thế nhưng vẫn là những tín hiệu đáng mừng cho việc tìm ra lối thoát cho sự phát triển từ lâu nay vẫn mang tính tự phát, trùng lặp và thiếu tính hợp tác phát triển của ngành In Việt Nam.

Dịch vụ

Hỗ trợ trực tuyến

Các sản phẩm in

Follow Facebook

Thống kê

    Tổng truy cập
    0597389
    Trực tuyến
    000008